Vấn Quan – Chương 22

Chương 22 – Tri âm tìm nơi nao (1)

Núi Mã Nhĩ không xa, dẫu cho đường tuyết khó đi thì cũng chỉ một canh giờ rưỡi sau họ đã có mặt ở chân núi. Núi rất thấp, cũng không tích đọng nhiều tuyết, dưới chân núi có vài nhà dân vừa nhóm lửa và một hai tiệm tạp hóa nhỏ. Lý Thập Nhất vào mua một ít lương khô và hỏi thăm đường trong lúc ông chủ tìm tiền lẻ, ông chủ không còn lạ lẫm với việc có người đến tìm mộ, chẳng cần ngước lên nhìn đã đưa tay chỉ đúng về hướng Đông Bắc, cũng không buồn nói năng gì.

Lý Thập Nhất nói lời cảm ơn rồi cùng mọi người rời khỏi, bấy giờ ông chủ tiệm mới ngồi vào chiếc ghế tre, hạ mí mắt nhìn về họ.

Bốn người men theo đường núi khúc khuỷu, đi khoảng năm phút thì đứng trước một ngã rẽ, con đường đó không lát gạch đá xanh, cũng không để vật chắn gì, cỏ khô mọc rải rác ở hai bên đường, xiêu vẹo và không có trật tự, trông như bị đạp bởi một lượng người khá lớn.

Út Đồ là người đầu tiên nhảy qua đó, hứng khởi nói: “Chắc chắn là con đường này rồi.”

Những chiếc lá vàng co rút và cành cây khô bị đạp kêu lên rắc rắc, gió vẫn thổi qua vù vù, song không còn quá buốt lạnh, thỉnh thoảng còn có ánh nắng ban trưa rọi xuống, phảng phất cho người ta cảm giác như được gặp lại cái nắng đẹp của Bắc Bình. Đi tiếp thêm vài bước về phía Tây trên con đường nhỏ ấy thì trước mắt họ xuất hiện một cái hang động nho nhỏ.

Lý Thập Nhất nhìn một cái đã biết ngay, đây là cấu trúc mộ thời Hán được chôn trong hang núi. Mộ sơn động xây dựa vào vách núi, người xưa đào hang làm lăng, rất khác so với những mộ thất dưới đất bình thường.

Hai bên đường có những đá vụn màu trắng vàng lẫn lộn chồng lên nhau, hình thành một cửa vào vô cùng đơn sơ mang hình cánh quạt, chính giữa là gốc cây đứng vặt vẹo nửa sống nửa chết, gió thổi qua cũng không thấy nó lắc lư cái nào, đằng sau cây là một cánh cửa thấp cao khoảng nửa con người, bị phong tỏa bởi một tấm sắt hoen gỉ, phong cách hoàn toàn không hợp với ngôi mộ, dường như là do dân làng trong núi lắp lên.

Nhận được ánh mắt từ Lý Thập Nhất, Út Đồ hà hơi vào hai tay rồi chà nhẹ vào nhau, xong bước lên phía trước, lau tay lên cái quần vải thô cho bớt mồ hôi rồi dùng cả hai tay nắm lấy cánh cửa sắt, đứng tấn hét lớn một tiếng kéo nó ra.

Làm màu khá bài bản, khổ thay cánh cửa không hề nặng, chỉ dùng lực nhẹ một cái đã bung ra rồi b-rằng một tiếng nằm bẹp dưới đất, ngay cả tiếng động cũng không khoa trương bằng hành động của anh.

Út Đồ hơi ngượng, cười trừ rồi thu tay về, chà sạch vết gỉ sét trên tay và nhường đường cho nhóm người Lý Thập Nhất.

Đây là một hang động tối đen như mực, trần không cao hơn Lý Thập Nhất bao nhiêu, Út Đồ tranh thủ còn thấy được ánh sáng bên ngoài liền đốt đèn lên, nhìn dáng vẻ cong cổ của Lý Thập Nhất, có thể thấy cái trần thấp này mang lại cho người ta cảm giác rất ngột ngạt.

Hang động vô cùng quái lạ, không có gió như những hang động bình thường, cũng không có sự âm u lạnh lẽo, thậm chí còn ấm hơn bên ngoài, tựa như có một lò sưởi đang cháy, hơi ấm bao bọc lấy ngón tay như củ cà rốt của Út Đồ.

Dẫu rằng không lạnh, song càng đi sâu vào trong thì càng tối, ánh sáng của đèn dầu chỉ đủ chiếu sáng tầm nhìn độ hai bước chân. Tiếng bước chân vang dội khi va chạm xuống mặt đất có cảm giác hơi kinh dị, Út Đồ thấy nơm nớp trong lòng, bèn tìm đề tài hỏi Lý Thập Nhất: “Chị Thập Nhất.”

“Hửm?”

“Chị có phát hiện không lần nào chúng ta xuống mộ mà phải đào động không.” Ngày xưa nghe kể chuyện, người ta bảo làm nghề này là phải biết phân kim định huyệt, gì mà hắc chiết tử thám âm trảo, toàn là việc đòi hỏi cao về kỹ thuật.

(Ghi chú: “hắc chiết tử” là tên một loại công cụ đào mộ, tên huyền bí thôi, thật ra là cái xà beng có thể kéo dài và rút ngắn tùy thích. “Thám âm trảo” là cái móng vuốt sắt dùng để cậy quan tài.)

Lý Thập Nhất lườm anh một cái rồi nói: “Tôi thì phát hiện mỗi lần anh căng thẳng thì sẽ gọi tôi là ‘chị’.”

Út Đồ suýt sặc: “Có vụ này á?”

A Âm phì cười. Tống Thập Cửu không quen với môi trường tối nên bước đi vô cùng cẩn thận, hai đầu ngón tay vịn vào vách hang, mở to mắt nhìn đường, cái đầu cúi thấp đến mức chiếc cằm muốn chạm luôn đến lồng ngực.

Lý Thập Nhất cảm thấy hơi kỳ lạ, theo thói quen xưa giờ thì nếu đường khó đi, cô nàng nhất định sẽ đòi nắm tay, giờ đây trái lại chỉ nín thở bám theo vách hang đi từ từ cũng không xin xỏ cô câu nào.

Nghĩ đến đây, Lý Thập Nhất bặm nhẹ môi, sống chung với nhau chưa đầy một tháng, cái gọi là “xưa giờ” thật ra cũng chỉ là lúc Tống Thập Cửu mười tuổi.

Lòng cô bỗng dưng có chút tiu nghỉu. Khi còn ở một mình, cô không bao giờ để ý tới thứ gọi là “thời gian”, xuân hạ thu đông, chẳng qua chỉ là thêm áo hay bớt áo thôi, riêng Tống Thập Cửu lại dùng phương thức vừa kỳ lạ vừa phô trương mà xuất hiện trước mặt cô, như một chiếc đồng hồ bỏ túi hình người, khiến cô không thể không xem xét cẩn trọng ý nghĩa của cái gọi là thời gian.

Từ đứa bé trắng nõn ú nần ôm lấy cổ của cô ngày trước, cho đến thiếu nữ thướt tha đang bước đi cẩn thận của bây giờ, cô bỗng dưng cảm nhận được cái cảm giác mất mát được mang đến từ vật đổi sao dời, từ sự lặng trôi của thời gian, cảm giác mất mát này từng bị đè nén, song dù cho là người chậm hiểu đến mấy cũng không thể nào phớt lờ nữa.

Cô dừng lại, đưa tay qua đó, lòng bàn tay mềm mại hướng lên trên, bốn ngón thon dài hơi cong lại, đây là một lời mời hoàn chỉnh.

Út Đồ dừng bước, ánh đèn trong tay lắc một cái, A Âm cũng thừ người nhìn về bàn tay của Lý Thập Nhất, Lý Thập Nhất nhìn Tống Thập Cửu, Tống Thập Cửu thì mím môi nhìn các đầu ngón tay của cô.

May thay sự hoảng loạn của Tống Thập Cửu và sự khựng lại của mọi người đều chỉ diễn ra trong tích tắc, cô gái không nghĩ ngợi nhiều đã cong mắt nắm lấy bàn tay mát lạnh ấy rồi bóp nhẹ, da tay mịn màng đốt ngón rành mạch, rõ ràng chỉ mới vài ngày không năm thôi, sao lại đã có cảm giác như cửu biệt trùng phùng.

Xúc cảm vẫn như lúc nhỏ, chỉ là bàn tay ấy nay đã lớn hơn nhiều, Lý Thập Nhất không thể thả lỏng tay để cô gái nắm như trước đây nữa, mà là lật ngược tay nắm lấy bốn ngón mềm mại của đối phương.

Theo cách của người lớn.

Trái lại là Tống Thập Cửu, đến nước này lại có chút rụt rè, cô lẻn trấn an con thỏ bị xổng chuồng trong trái tim mình và rụt nhẹ ngón tay lại, Lý Thập Nhất quay đầu nhìn cô với vẻ không hiểu, bàn tay bất giác nắn nhẹ ngón tay của Tống Thập Cửu.

Nhịp tim như trống vỗ cực kỳ không nghe lời, chúng tràn ra từ lỗ tai như muốn nhảy nhót trong động huyệt trống trải, Tống Thập Cửu giật mình đưa tay trái che lỗ tai lại, ngẫm nghĩ một hồi lại nắn nhẹ dái tai đang nóng hừng hực, sau đó rút tay khỏi tay Lý Thập Nhất và đổi lại thành nắm lấy cổ tay của đối phương như đang né tránh gì đó.

Phù, đỡ hơn rồi. Cô cắn môi cúi gầm mặt, thở phào một hơi.

Út Đồ mở đường ở phía trước nên hiển nhiên là không hề hay biết dòng tâm tư đã xoay cả trăm ngàn vòng của Tống Thập Cửu, anh lại kiếm chuyện tán dóc: “Chị Thập Nhất, chị nói xem lỡ như lấy được vàng thì sẽ làm gì?”

“Không biết.” Giọng nói của Lý Thập Nhất rất truyền cảm. Cổ tay đang bị Tống Thập Cửu nắm lấy, và cũng chỉ cô gái này biết được, ẩn sau giọng điệu như sóng yên biển lặng của cô, là nhịp đập đầy sức sống của tĩnh mạch.

Cái cảm giác này thật diệu kỳ, tựa như đang nắm lấy một mối liên hệ nào đó mà không ai biết đến, bên dưới vẻ ngoài lạnh nhạt lãnh đạm của Lý Thập Nhất.

Út Đồ lại hỏi A Âm: “Âm đại tiểu thư thì sao?”

A Âm khoanh tay đáp: “Áo của tiệm trang phục Kim Môn, cô hai này bao hết.”

Út Đồ nhìn cô với vẻ trêu chọc rồi lại quay qua Tống Thập Cửu: “Còn em? Tiểu Thập Cửu?”

Tống Thập Cửu ngẩn người, cô nhìn Lý Thập Nhất rồi cúi đầu ngượng ngùng đáp: “Không giấu gì anh.”

“Em chưa thấy vàng bao giờ.”

Út Đồ cười lớn như tiếng lừa kêu, khiến Tống Thập Cửu giật cả mình, rất tự nhiên mà siết nhẹ cổ tay Lý Thập Nhất theo quán tính, khi ngước lên thì đúng lúc nhìn thấy khóe môi đang cong lên của Lý Thập Nhất dưới ánh đèn lập lòe.

Cô gái mỉm cười mãn nguyện rồi hỏi ngược lại Út Đồ: “Thế còn anh, anh định dùng như thế nào?”

Út Đồ quay lại nhìn cô, mặt mày hớn hở nói: “Mọi người có nghe về sữa em bé hiệu Lặc Thổ Tinh chưa? Tôi nghe từ mấy ông anh từ Quảng Châu đến nói, sữa đó là hàng Tây Dương, không khác gì sữa mẹ. Nhà kế bên có bà thím cũng sinh con, lúc thông sữa nghe kêu la mà cảm giác như đau đớn lắm, tôi định ấy, đợi đến lúc chị dâu em đẻ con xong, nếu có tiền thì sẽ mua sữa em bé Tây Dương đó. Em không biết đó thôi, bà ấy mà hét lên thì ngay cả trâu già ở cách mười dặm còn giật mình run lẩy bẩy!”

Tống Thập Cửu nghe mà cười sặc sụa, lồng ngực rung lên từng đợt, vừa định tiếp lời thì nghe một tiếng “A” vang lên động trời, sau đó thì có tiếng như trâu già bước xuống nước, cùng với đó là nước bắn lên tung tóe văng hết lên mặt cô.

Cô dừng lại, dưới ánh đèn dập dìu, cuối cùng cũng nhìn rõ tình hình trước mắt. Không ngờ trước mặt lại có một con sông nhỏ lặng yên như tờ bắc ngang trước đường, Út Đồ ngoi lên từ dưới nước, nhăn mặt nhổ ra vài ngụm nước, hai tay giơ thật cao để cứu ngọn đèn dầu khỏi bị vạ lây.

Chờ khi đã đứng vững, anh mới phát hiện mực nước chỉ cao ngang đùi, và đang chuyển động dịu dàng quanh đầu gối của anh. Lý Thập Nhất rút bàn tay đang đút trong túi ra đưa cho Út Đồ định kéo anh lên, A Âm cũng bước tới bảo: “Lên đây mau, coi chừng cảm lạnh đó.”

Út Đồ nghi hoặc nhìn xuống chân mình rồi gãi đầu nói: “Nước này ấm ấm, không có lạnh.”

Nước vào miệng còn có chút vị mặn, dòng sông này có vẻ là thông với biển.

Lý Thập Nhất đứng thẳng người dậy thu tay về, Út Đồ giơ cao đèn rọi ra xung quanh rồi chỉ về phía trước nói: “Chỗ kia có bậc thang, chắc là mộ thất rồi, ở đây không còn con đường nào khác, chắc chỉ có thể lội nước qua thôi.”

Ngẫm nghĩ một hồi, Lý Thập Nhất bước xuống thử độ sâu của nước. Cánh tay cũng rất tự nhiên mà rút khỏi tay Tống Thập Cửu, bàn tay đột nhiên trống trải, cô gái thả tay xuống hai bên đùi, nghịch cái tua rua của chiếc áo trong vẻ hụt hẫng.

Lý Thập Nhất nói: “Nước khá sạch, không lạnh.” Dứt lời cô nhìn sang A Âm trong chiếc sườn xám tinh xảo, hỏi nhỏ: “Xuống không?”

A Âm hớ một tiếng: “Không hỏi Thập Cửu mà lại hỏi mình? Lúc mình đạo mộ cậu còn đang bị con ma nữ theo đuổi đó.” Cô vừa nói vừa cởi đôi giày cao gót ra rồi cầm ở một bên tay, nhảy xuống nước một cái tủm.

Tống Thập Cửu không nói năng gì, cũng khom người thòng chân xuống dòng nước.

Vẫn là Út Đồ đi trước, anh rẽ xoáy nước, mỗi bước là một vòng xoáy, Lý Thập Nhất nắm lấy tay Tống Thập Cửu bước đi chậm rãi, A Âm đi ở bên cạnh, dùng tay bịt mũi ngăn cái mùi tanh như tôm thối phát ra từ dưới nước.

Đường nước khó đi, Út Đồ cũng không la ó nữa, thở cũng không dám thở mạnh, chỉ tập trung nhìn đường, thỉnh thoảng dùng gậy tách nước và gõ gõ thám thính thực hư. Tay Lý Thập Nhất đột nhiên bị siết lại, cô quay người nhìn thì thấy Tống Thập Cửu mặt trắng bệch toàn thân cứng đờ đứng yên tại chỗ, bắt gặp ánh mắt của cô, Tống Thập Cửu liếm liếm bờ môi rồi dời ánh mắt xuống nước nói: “Hình… hình như có cái gì đó.”

Bắp chân chạm phải gì đó trơn trơn, cứ đụng lên chân cô từng cái một như khúc gỗ trôi, dưới nước vang lên tiếng chuyển động ùng ục, âm thanh lớn dần, cô gái im thin thít, nỗi sợ đối với thứ mình không biết lan ra từ cột sống và nhanh chóng bao trùm khắp người. Cảm nhận được ngón tay của đối phương đang run lên, Lý Thập Nhất siết chặt bàn tay hơn, dịu giọng nói: “Đừng động đậy.”

Tống Thập Cửu gật đầu, chỉ mới hít sâu hai cái thì đã thấy Lý Thập Nhất từ từ tiến lại gần và khom xuống, một tay vẫn nắm lấy tay cô, tay còn lại mò xuống nước, bắt lấy con vật đang tác oai tác quái một cách nhanh chóng và dứt khoát.

Đợi khi nhìn rõ, Lý Thập Nhất thả lỏng người và cười, đôi mắt sáng trong nhìn lấy Tống Thập Cửu rồi nhướng nhẹ mày lên.

“Hầy! Là cá à.” Út Đồ tiến tới, nhìn chăm chăm con cá nhỏ đang vẫy đuôi trong tay của Lý Thập Nhất.

Không chờ Lý Thập Nhất buông tay, anh lại dán mắt tới gần hơn, dưới ánh đèn, anh chớp mắt hai cái rồi hỏi trong vẻ ngạc nhiên: “Này là cá gì vậy, sao lại không có mắt?”

Lý Thập Nhất đưa cao nhìn kỹ hơn, thân dài mà mảnh, bụng tròn đầu ngắn: “Có vẻ là cá Xích Lân.”

“Cá Xích Lân không xuống núi, thường sống trong nước của núi Thái Sơn, sao lại xuất hiện ở nơi này? Hơn nữa, mắt cũng mất luôn rồi, trông như bị thoái hóa vậy.” A Âm bước tới nói.

Lý Thập Nhất thả con cá trở về nước và nói: “Trong hang động không có ánh sáng, ngày lâu tháng dài không dùng đến mắt nữa thì bị thoái hóa cũng không vô lý, chỉ là, nó có thể bơi được đến đây, sông lại nối biển, theo lý cũng có thể bơi trở ra, đâu lý nào lại ở mãi trong này rồi sinh sôi nảy nở đến mức thoái hóa mắt như vậy.”

A Âm gật đầu đồng ý, Lý Thập Nhất trầm ngâm nói: “Trừ phi…”

“Trừ phi có thứ gì thu hút chúng tụ tập ở trong này.”

Một suy nghĩ 10 thoughts on “Vấn Quan – Chương 22

  1. Cảm giác như trái tim và cuộc sống cô độc của 11 đang được 19 chậm rãi mở dần ra, từng thói quen nhỏ nhặt được hình thành, cảm giác được ai đó phụ thuộc và ỷ lại đang dần mạnh mẽ hơn trong lòng 11. Tội cho cô thiếu nữ cùng những rung động đầu đời bị người mình thương vô tư xoay tới xoay lui :))))

    Tổ hợp em bé chưa từng được sờ vàng và ông anh luôn nghĩ về vợ cùng cô gái nhìn như yếu đuối lại vô cùng ngầu kết hợp làm mình cười không ngừng lúc giữa đêm =))))

    • Tội thiệt :)))) nắn tay 1 cái là loạn nhịp, nhìn 1 cái là cúi mặt ngượng ngùng, mắc cười nhất là vụ bịt lỗ tai lại sợ con thỏ nhảy ra, cưng gì đâu :))) Mà vô đây xong là 19 bé con nhà ta lớn rồi, bắt đầu chuỗi ngày tấn công tới tấp làm 11 đỡ hổng kịp kakaka

      A Âm cô nương thì từ nhỏ đến lớn đều mê quần áo đẹp và nước hoa, đi xuống mộ cũng mặc sườn xám mang giày cao gót, chạy sao cho lại :))

      Mình phải công nhận Út Đồ là đàn ông tốt a~ đi đâu cũng nghĩ tới vợ, vào chỗ nguy hiểm thì đi trước mở đường, mặt dù bụng phệ mắt như hạt đậu tay như cà rốt, nhưng ko ngăn cản được việc ảnh được xem là người chồng quốc dân :)))

      • Yes, người ta sắp buff level lên “Đại Nhân” rồi :)))) Còn A Âm đổ đấu thì đổ nhưng phải đẹp mới được à 🤭

        Anh Đồ người ta đẹp ở tâm hồn, nhan sắc cũng chỉ là túi da treo trên người thôi hihi :)))

        • À phải, Scorp có đọc qua “Dò hư lăng” chưa? GG chưa đọc qua, nhưng nghe nói là đỉnh của đỉnh trong dòng tiểu thuyết bách hợp về đạo mộ.

        • Ah mình đọc phần cổ đại rồi, bộ đầu tiên “lăn lộn” hơn 250 chương :)) công nhận tác giả viết khá chắc tay, plot cài cắm hợp lý, cũng vui, tình cảm nhân vật đủ rung động nhưng bị một cái là mở ra quá nhiều vấn đề, dây mơ rễ má theo dòng thời gian hơn ngàn năm dẫn đến viết rất dài, phần hiện đại hình như gần 700 chương rồi mà chưa viết xong, còn mấy phần liên quan nữa mở lời dẫn và vẫn chưa viết tới mà tác giả cũng bệnh tới lui làm truyện bị hoãn khá nhiều á.
          Mình thì cũng thích truyện đó nên gắng chờ trong hồi hộp, chỉ mong tác giả lấp hố khi mình còn đủ khoẻ và kiên nhẫn đu hết hơn 1 ngàn chương :))
          À tác giả còn viết một bộ hiện đại là Hoán Đổi Ảnh Hậu á, cũng bị lâu mà chưa hoàn thì phải. Riết fan dần ngán ngẩm hết luôn. :))

        • What??? 700 chương???
          Thiên Niên Túy cũng là dạng tình cảm ngàn năm á, nhưng mà đâu có dài vậy @@ Nghe xong hoảng quá, bạn mình cứ bảo mình nhất định phải đọc, mà mình thấy ai cũng khen thì trái lại ngại đọc, tánh kỳ =)))

        • Nghe khiếp hong :))) Mình coi lại rồi, cổ đại 300 chương, hiện đại mới nhất trên TG là 667 chương nha, còn cái Huyền Lữ là đoạn thời gian hai người tách ra nữa, chờ hiện đại xong sẽ viết tiếp, từ 2012 tới giờ hơn 10 năm chưa hoàn hết. Hoán đổi ảnh hậu thì mới nhất là 189 chương… thấy còn một hai bộ chuẩn bị lên sóng nữa, không biết khi mình già có đọc hết không :))))

          Mình cũng có cái tánh kỳ vậy óh, kiểu càng nổi, người ta tâng lên tận mây là mình hơi chợn, không biết nên đọc không. Dò Hư Lăng là hồi giãn cách ở nhà lâu quá nên lôi ra đọc á, bạn mình mới đọc cũng khen nên thôi đọc thử. Đúng là nó hay nhưng dài hơi khiến người ta hơi bị nản 🤭

        • Để GG ráng nhớ lại xem, hình như chưa bao giờ đọc truyện nào dài hơn 300 chương luôn á. Thiên niên tuý 290 chương, Ma nữ 260 chương. Nghe 300 với 700 chương hoang mang thiệt, lỡ đọc ko hết thì có lỗi với tác giả, mà lỡ ko đọc thì lâu lâu nó cứ xuất hiện 🤣

        • Kiểu truyện đang ra đọc trước quên sau nữa, bạn mình chờ lâu quá nên ngừng, giờ không nhớ gì hết luôn :)))
          Bộ dài nhất mình đọc là Người chơi mời vào chỗ á, 317 chương :)) tại mê quá đọc khá là cuốn, lại có linh dị đúng gout mình hehe
          Thiên Niên Tuý giờ chờ hữu duyên có người dịch hết mình sẽ đọc ngay nè 🤭

        • Viết dài quá tác giả mệt mà cổ độc giả cũng dài nữa, rồi lỡ hay quá người ta dịch cũng cực luôn, tóm lại là dài vừa thôi đừng dài quá =)))

Trao đổi